10 điều cần biết về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một mối đe dọa sức khoẻ thường gặp nhất trên thế giới cũng như tại Việt nam.
Tuy nhiên, ngoài việc biết rằng đó là một căn bệnh, chúng ta thực sự cần biết những gì về tăng huyết áp. điều gì làm hầu hết mọi người thực sự biết về nó? Dưới đây là 10 điều cần biết về tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý rất phổ biến.
Khi bạn ở độ tuổi 55 đến 65, bạn sẽ có khoảng 40% nguy cơ bị tăng huyết áp. Và ngay cả khi bạn không bị tăng huyết áp khi bạn từ 55 đến 65 tuổi, bạn sẽ có 90% nguy cơ mắc tăng huyết áp trong vòng 20 năm tới. Bạn cần tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp của bản thân để dự phòng.
Tăng huyết áp được biết đến như là kẻ sát nhân thầm lặng.
Trong hầu hết các trường hợp, tăng huyết áp không có triệu chứng, và gần 20% những người bị tăng huyết áp thậm chí không biết là họ mắc bệnh! Mặc dù bạn có thể không cảm thấy các triệu chứng , căn bệnh này có thể âm thầm gây ra những vấn đề nghiêm trọng bên trong cơ thể bạn.
Bạn nên biết mục tiêu huyết áp của bạn.
Đối với hầu hết mọi người, huyết áp bình thường là dưới 130/80 mmHg.
Bạn không nên để huyết áp tăng mà không điều trị.
Nếu bạn không điều trị hoặc không kiểm soát được huyết áp, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quị, nhồi máu cơ tim, các bệnh mạch máu và suy tim. Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim và tử vong gần gấp đôi đối với mỗi 20 mmHg (mm thủy ngân) tăng huyết áp tâm thu (số đo huyết áp đầu trong đo huyết áp của bạn) và mỗi 10 mmHg tăng huyết áp tâm trương (số đáy của đo huyết áp của bạn).
Có một số nguy cơ cao về huyết áp mà bạn không thể thay đổi.
VD: Tiền sử tăng huyết áp có tính chất gia đình – Nếu có, bạn cũng có nguy cơ cao hơn. Bạn nên biết tiền sử bệnh tật gia đình của bạn để có thể kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Nhưng có một số nguy cơ cao về huyết áp bạn có thể kiểm soát và thay đổi được.
Bạn có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp bằng cách thực hiện các biện pháp để cải thiện thói quen cuộc sống của bạn.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có hàm lượng natri thấp, tập thể dục đều đặn, hạn chế lượng rượu và caffeine. Giảm cân nếu bạn đang thừa cân. Và nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
Muối là một thành phần nhỏ trong thức ăn nhưng nó mang nguy cơ tăng huyết áp lớn.
Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 30% tăng huyết áp là do ăn quá nhiều muối! Một việc đơn giản như việc giảm lượng muối ăn vào có thể giúp giảm huyết áp.
Việc sử dụng thuốc của bạn có thể khiến bạn bị nguy cơ tăng huyết áp.
Bạn có biết rằng một số loại thuốc bán tự do thông thường có thể làm tăng huyết áp của bạn không? Một số trường hợp sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen và thuốc điều trị có chứa pseudoephedrine có thể gây tăng huyết áp. Nếu bạn đã bị tăng huyết áp, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào.
Bạn có thể cần phải uống nhiều hơn một loại thuốc trị bệnh huyết áp.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng nhiều loại thuốc điều trị với liều thấp hơn có thể giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn và ít gây tác dụng phụ hơn so với việc dùng liều cao của đơn thuần một loại thuốc hạ áp. Điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ phải uống nhiều loại thuốc khác nhau, hiện nay có những sản phẩm chứa 2 hoặc ba loại thuốc hạ áp trong cùng 1 viên thuốc, khiến bạn dễ dàng sử dụng.
Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả hay không tùy thuộc vào bạn.
Để thuốc của bạn có tác dụng thực sự tốt, bạn phải uống thường xuyên. Rất nhiều người tỏ ra chủ quan với việc này, đặc biệt khi huyết áp tăng thường không gây triệu chứng.
Bạn có thể cảm thấy tốt và đơn giản là quên uống thuốc của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó nhớ khi uống thuốc hoặc nếu bạn không muốn uống thuốc – ví dụ: nếu bạn gặp các phản ứng phụ – hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Hãy luôn nhớ rằng, việc sử dụng thuốc thường xuyên, đúng theo chỉ định của bác sĩ là vì sức khoẻ của chính bản thân bạn.
Bình Luận