Làm Gì Khi Gia Đình Có Người Bị Tăng Huyết Áp?
Làm Gì Khi Gia Đình Có Người Bị Tăng Huyết Áp?
VÌ SAO CHÚNG TA SỢ TĂNG HUYẾT ÁP ?
Hiện nay bệnh Tăng huyết áp là 1 đại dịch không lây trên toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) vào năm 2018 trên thế giới có 1 tỷ người tăng huyết áp và dự kiến sẽ tăng lên 1.56 tỷ vào năm 2025. Ở Việt Nam, cũng vậy, tỉ lệ tăng huyết áp ngày càng gia tăng vào năm 2008 tỉ lệ tăng huyết áp trên dân số là 25,1% và tăng lên 47,3% vào năm 2015.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người vào năm 2015, trong đó 4,9 triệu người do bệnh mạch vành, 3.5 triệu do đột quỵ. Nó cũng là yếu tố nguy cơ chính gây ra suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoài biên….
Với sự phổ biến và nguy hiểm như vậy, việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp là rất quan trọng. Để việc này đạt được kết quả tốt, ngoài việc bản thân người bệnh phải chú trọng quan tâm, tự chăm sóc mà còn phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người thân trong gia đình.
NGƯỜI THÂN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ ?
Những người trong gia đình của bệnh nhân có thể giúp đỡ cho bệnh nhân được rất nhiều vấn đề như:
- Khi được chẩn đoán bệnh: bản thân bệnh nhân lúc đầu khó có thể chấp nhận bệnh, nhiều bệnh nhân có thể có tình trạng chống đối, lãng tránh hoặc từ chối điều trị, việc này đôi khi khiến bác sĩ sẽ khó tiếp cận để điều trị cho bệnh nhân. Người nhà lúc này là nơi để bệnh nhân tìm đến để được tâm sự, là nơi giải toả, an ủi và động viên bệnh nhân tiếp nhận chẩn đoán bệnh, từ đó bệnh nhân sẽ tuân thủ và tích cực trong điều trị.
- Việc uống thuốc: Trong điều trị, việc uống thuốc tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi chỉ đơn giản đối với người trẻ nhưng đối với người lớn tuổi thì không phải là dễ dàng. Người thân nên để ý, kiểm tra, nhắc nhở để để người bệnh uống thuốc đúng giờ, tránh nhầm lẫn thuốc, quá liều thuốc gây hại cho bệnh nhân từ đó đạt được về hiệu quả điều trị và thánh tác dụng phụ của thuốc.
- Theo dõi biến chứng của bệnh: Tăng huyết áp là bệnh lý gây rất nhiều biến chứng từ nhẹ đến mức rất nguy hiểm có thể gây tàn phế hoặc tử vong, nhiều biến chứng bệnh nhân không thể phát hiện ra hoặc không thể tự đối phó được khi bị như: đột quỵ, suy tim…. Vì vậy cần có người thân luôn ở bên cạnh để có thể phát hiện ra các biến chứng này sớm để cứu được bệnh nhân và tránh tàn tật sau này.
- Theo dõi biến chứng của thuốc điều trị: thuốc điều trị huyết áp chủ yếu có tính hạ áp, nó có thể làm cho bệnh nhân tụt huyết áp khi cơ thể bệnh nhân có những bất lợi như tiêu chảy, nôn ói, ăn uống kém….trong những trường hợp này có thể bệnh nhân chỉ hạ huyết áp nhẹ gây các triệu chứng như choáng váng, chóng mặt…, lúc này có thể bệnh nhân có thể tự xử trí được nhưng có thể lúc nặng khiến huyết áp khó đo gây cho bệnh nhân ngất, ngừng tim… lúc này một mình bệnh nhân không thể xử lý được mà cần phải có người thân bên cạnh, có thể bổ sung dịch được uống và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
- Khi bệnh nhân có những tai biến lớn như đột quỵ, suy tim…. Việc sinh hoạt của bệnh nhân sẽ trở nên khó khăn, những công việc trong sinh hoạt bình thường khó mà thực hiện được, thậm chí có thể phải nằm bất động trên giường không thể ăn uống tự chủ được. Lúc này người thân bệnh nhân có vai trò rất quan trọng. Đầu tiên, người thân sẽ là người giúp bệnh nhân tiếp tục điều trị, cho bệnh nhân uống thuốc và dinh dưỡng mỗi ngày khi bệnh nhân bị tàn phế nặng do đột quỵ, giúp bệnh nhân vận động để tránh loét do nằm lâu, tránh cứng khớp hoặc viêm phổi do bất động kéo dài. Có thể giúp bệnh nhân có thể sớm hoà nhập lại với các hoạt động thường ngày, cải thiện được chất lượng sống của bệnh nhân, giảm được tỷ lệ tỷ vong và tàn phế ở bệnh nhân tăng huyết áp đã có biến chứng.
Vì vậy, cuộc chiến chống lại tăng huyết áp không nên chỉ đơn lẻ bệnh nhân mà còn là của cả xã hội, đặc biệt không kém phần quan trọng đó là những người thân, cụ thể là những người trong gia đình của bệnh nhân từ đó giúp bệnh nhân có thể điều trị tốt bệnh, tránh hoặc phát hiện sớm được những tai biến của bệnh và điều trị. Cuộc chiến với bệnh tăng huyết áp sẽ rất dài và gian khổ cần phải có sự nỗ lực của bản thân bệnh nhân và sự đồng hành của người thân bên cạnh mới có thể thắng được đại dịch này.
Bình Luận