Dấu hiệu nhận biết bạn bị rối loạn lipid máu
1. Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu là tình trạng : nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride, lipoprotein trọng lượng phân tử lượng thấp (LDL-C) cao hơn hay nồng độ lipoprotein trọng lượng phân tử lượng cao (HDL-C) thấp hơn các giá trị bình thường trong huyết tương ( các chỉ số này phải xét nghiệm mới đo được ).
Cùng với tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, đây là một rối loạn chuyển hóa mạn tính khá thường gặp, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, tổn thương các cơ quan đích như tim, não, thận.
2. Dấu hiệu của rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một quá trình chuyển biến sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được. Do đó, tình trạng này hiếm có những triệu chứng đặc trưng. Phần lớn các biểu hiện lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối,... Ngoài ra, khi nồng độ triglyceride tăng quá cao trong máu, làm huyết tương đục như sữa và có thể gây viêm tụy cấp tính, ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, rối loạn lipid máu thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa.
2.1. Các biểu hiện bên ngoài của tăng lipid máu
- Cung giác mạc: Màu trắng nhạt, hình vòng tròn hoặc không hoàn toàn, định vị quanh mống mắt. Dấu hiệu này thường có giá trị đối với người dưới 50 tuổi.
- Ban vàng: Nằm ở mí mắt trên hoặc dưới, khu trú hoặc rải rác.
- U vàng gân: Nằm ở gân duỗi của các ngón, gân gót chân và vị trí các khớp đốt bàn ngón tay.
- U vàng dưới màng xương: Tìm thấy ở củ chày trước, trên đầu xương của mỏm khuỷu, ít gặp hơn u vàng gân.
- U vàng da: Nằm ở khuỷu hay đầu gối.
- Dạng ban vàng lòng bàn tay: Phân bố ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.
2.2. Các biểu hiện trên nội tạng của tăng lipid máu
- Xơ vữa động mạch: đây là biểu hiện thường gặp nhất và cũng là biểu hiện đáng lo ngại nhất của tăng lipoprotein. Tình trạng này thường là không biết rối loạn lipid máu trước đó và có thể kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như thuốc lá, đái tháo đường. Tổn thương động mạch tại tim gây nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ, tại não gây nhồi máu não với biểu hiện nói đớ, yếu liệt tay chân,...
- Nhiễm lipid võng mạc: thấy được khi soi đáy mắt, gặp trong tình huống triglycerides máu cao.
- Gan nhiễm mỡ: từng vùng hoặc toàn bộ gan, phát hiện qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp, thường kèm tăng triglycerides máu.
- Viêm tụy cấp: Thường gặp khi triglycerides trên 10 gam/L, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, đôi khi kèm theo sốt.
3. Các xét nghiệm phát hiện rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu xác định chủ yếu nhờ vào xét nghiệm máu. Vì nồng độ lipid máu có liên quan đến bữa ăn, thời điểm thực hiện lý tưởng là khi người bệnh đã nhịn ăn 12 giờ đồng hồ, thường là buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Một bộ xét nghiệm bilan lipid máu đầy đủ gồm 4 thành phần: Cholesterol máu toàn phần, HDL – C, LDL – C và triglycerid. Ngưỡng bất thường và các mức độ rối loạn từng chỉ số được trình bày trong bảng sau:
4. Hậu quả của rối loạn lipid máu
Tương tự như các biểu hiện của rối loạn lipid máu, hậu quả của bệnh lý này cũng thể hiện gián tiếp trên những bệnh lý khác. Khi nồng độ mỡ trong máu cao, chính hệ thống động mạch chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Kèm theo yếu tố áp lực dòng máu lớn, lớp nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương và xơ cứng, lắng đọng các mảng xơ vữa, giảm mất khả năng đàn hồi. Khi bệnh nhân nhập viện vì đau ngực hay méo miệng, yếu liệt nửa người, được thăm khám và chẩn đoán là nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, nguyên nhân tìm thấy là xơ vữa mạch máu thì hậu quả thực sự của rối loạn lipid máu mới được nhận thấy. Và tại thời điểm này thì việc cứu vãn cũng đã muộn màng.
Trong trường hợp tăng triglycerid làm viêm tụy cấp, bệnh nhân có thể nhập viện trong bệnh cảnh đau bụng nhiều, nôn ói, đôi khi tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận. Việc điều trị cần phải lọc máu thay huyết tương và tiên lượng kém, tỷ lệ tử vong cao.
Gần giống như các bệnh lý chuyển hóa khác, rối loạn lipid máu không biểu hiện gì rầm rộ nhưng lại là nguyên nhân gây chết người một cách âm thầm thông qua các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn. Chính vì vậy, việc khám bệnh định kỳ và xét nghiệm lipid máu mỗi 6 tháng đến 1 năm .
Bình Luận